TƯ VẤN VỀ DI CHÚC CÓ ĐIỀU KIỆN

Câu hỏi của khách hàng:

Tôi muốn hỏi Luật sư trường hợp của tôi như sau: Chào Luật sư Đức Huy! Tôi muốn hỏi Luật sư trường hợp của tôi như sau: Cha tôi năm nay hơn 70 tuổi. Gần đây do tuổi cao sức yếu nên cha tôi định lập di chúc để lại cho tôi tài sản là căn nhà của cha đang ở. Tuy nhiên do muốn giữ ngôi nhà trên nên cha đặt điều kiện trong di chúc là tôi không được bán, tặng cho căn nhà này. Luật sư cho tôi hỏi việc đặt điều kiện di chúc của cha tôi như trên có được không vì tôi sợ sau này có nhiều sự thay đổi mà không được bán căn nhà trên cũng rất bất tiện.

Phần tư vấn của Luật sư:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Luật sư. Luật sư xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Theo quy định của pháp luật thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Người để lại di chúc có các quyền được quy định tại Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:

“1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

  1. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
  2. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
  3. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
  4. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

Về nguyên tắc thì cha bạn để lại di chúc cho bạn căn nhà trên sau khi chết và kèm theo điều kiện bạn không được bán, tặng cho căn nhà trên hoàn toàn không trái các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi cha bạn mất, bạn là người được thừa kế theo di chúc nên sẽ được công nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật nhà ở năm 2014. Cụ thể Điều 9 Luật nhà ở năm 2014 quy định: “1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn”.

Khoản 2 Điều 8 Luật nhà ở 2014 quy định:

“2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

a)  Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;”

Khi đã là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà trên, bạn có đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật như bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở…không có bất kỳ hạn chế nào.

Ngoài ra hiện nay thì khi Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản găn liền với đất pháp luật không ghi nhận các điều kiện chuyển nhượng theo nội dung di chúc nên việc hạn chế quyền chuyển nhượng của bạn – là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà rất khó thực hiện được.

Nếu còn vướng mắc thông tin hoặc cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 0977.761.893 để được tư vấn chính xác, kịp thời. Trân trọng!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *