Câu hỏi của khách hàng: Chào Luật sư! Tôi xin hỏi Luật sư vấn đề sau đây: Năm 2011 tôi có kết hôn với chồng người Trung Quốc có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấp. Trong thời gian chung sống chúng tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa nên tôi mang con về Việt Nam ở với bố mẹ ở TPHCM. Hiện nay tôi muốn nộp đơn Ly hôn với chồng. Luật sư cho tôi hỏi tôi nộp đơn ở đâu để giải quyết?. Xin cảm ơn Luật sư.
Phần tư vấn của Luật sư:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Tôi xin trả lời thắc mắc của bạn như sau:
Theo Khoản 3 Điều 35 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện thì: “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này”.
Điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh:
“1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này”.
Như vậy, vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Theo quy định tại tiểu mục 4. 1 mục 4 phần I nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP (Đã hết hiệu lực do Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 hết hiệu lực và chưa có hướng dẫn mới):
Đương sự ở nước ngoài, bao gồm:
- Đương sự là cá nhân không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam mà không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Toà án thụ lý vụ việc dân sụ đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án.
- b.Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại điện tại Việt Nam vào thời điểm Toà án thụ lý vụ việc dân sự.
Cụ thể:
- a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
- b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
- c) Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
- d) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
đ) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
4.2. Tài sản ở nước ngoài
Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Toà án thụ lý vụ việc dân sự.”
*Xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngòai theo lãnh thổ.
Căn cứ khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”
Theo điểm c khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu:
- Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
- c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
Như vậy:
- Nếu bị đơn có nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài do Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc thụ lý và giải quyết.
- Nếu bị đơn không có nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài do Tòa án nhân dân nơi nguyên đơn cư trú hoặc làm việc thụ lý và giải quyết.
Theo các quy định trên, bạn có thể nộp đơn tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để được giải quyết theo quy định.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư. Nếu còn vướng mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn kịp thời, chính xác.
Trân trọng!