- Nếu vợ/chồng không đồng ý có ly hôn được không?
Vẫn ly hôn được bằng cách nộp đơn khởi kiện đơn phương ly hôn tại nơi cư trú (nơi thường trú, tạm trú hoặc đang thực tế sinh sống) của bên kia.
- Nếu vợ/chồng không ký đơn có thực hiện thủ tục ly hôn được không?
Thực hiện được bằng cách làm đơn khởi kiện ly hôn đơn phương. Chỉ bắt buộc phải có chữ ký của 02 vợ chồng trong trường hợp thuận tình ly hôn.
- Ly hôn đơn phương là gì?
Đơn phương ly hôn là việc vợ chồng có tranh chấp 01 trong các vấn đề về quan hệ hôn nhân, nuôi con, tài sản chung, nợ chung, cấp dưỡng,…Ví dụ: 01 bên không đồng ý ly hôn; 02 bên đồng ý ly hôn nhưng giành quyền nuôi con; 02 bên đồng ý ly hôn, thỏa thuận được về việc nuôi con, cấp dưỡng nhưng có tranh chấp về tài sản,…
- Nếu muốn ly hôn đơn phương nhưng giấy đăng ký kết hôn bị bên kia giữ có ly hôn được không?
Vẫn ly hôn được, tuy nhiên phải ra cơ quan đăng ký kết hôn trước đây xin trích lục bản sao Giấy đăng ký kết hôn. Trong hồ sơ ly hôn kèm theo bản tường trình về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ nêu rõ lý do không cung cấp được bản chính.
- Đã nhập hộ khẩu về bên chồng mà chồng không giao hộ khẩu có thực hiện thủ tục ly hôn được không?
Vẫn thực hiện được. Trong hồ sơ ly hôn kèm bản tường trình về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ nêu rõ lý do không cung cấp được.
- Khi nộp hồ sơ ly hôn có được nộp bản sao giấy đăng ký kết hôn không?
Tòa yêu cầu phải có Giấy kết hôn bản chính hoặc phải là bản trích lục từ sổ đăng ký gốc. Trong trường hợp không có bản chính, không trích lục được có thể nộp bản sao y tuy nhiên phải có bản tường trình về việc không cung cấp được và yêu cầu Tòa thu thập.
- Không biết địa chỉ của vợ/chồng có ly hôn được không?
Vẫn có quyền nộp đơn khởi kiện ly hôn. Tuy nhiên nghĩa vụ cung cấp địa chỉ bị đơn thuộc về nguyên đơn. Nếu cung cấp không đúng, hoặc không đầy đủ Tòa có thể đình chỉ giải quyết.
- Khi ly hôn đơn phương có được nuôi con không?
Các bên đều có quyền yêu cầu được nuôi con. Tuy nhiên việc giao quyền nuôi con cho ai sẽ do Tòa xem xét dựa trên nhiều yếu tố như điều kiện hoàn cảnh mỗi bên, tâm sinh lý của trẻ,…để đảm bảo sự phát triển tốt nhất của trẻ. Con dưới 36 tháng tuổi ưu tiên cho mẹ nuôi trừ khi mẹ không đủ điều kiện. Con trên 7 tuổi phải xem xét nguyện vọng của con nên chưa thể trả lời chắc chắn được ai sẽ có quyền nuôi con.
- Thời gian ly hôn đơn phương, thuận tình là bao lâu?
Còn tùy thuộc vào từng trường hợp. Đối với ly hôn đơn phương thời gian thường từ 4 – 6 tháng; thuận tình ly hôn khoảng 2 tháng.
- Ly hôn mất bao nhiêu tiền?
Lệ phí ly hôn hiện nay là 300.000 đồng nếu không có tranh chấp về tài sản. Ngoài ra nếu nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi sẽ phát sinh thêm chi phí cho luật sư.
- Ly hôn có phải hòa giải không?
Hiện nay, luật không yêu cầu ly hôn phải hòa giải tại địa phương. Tuy nhiên sau khi Tòa thụ lý thì hòa giải là thủ tục bắt buộc, trừ một số trường hợp không hòa giải được hoặc không tiến hành hòa giải.
- Không lên Tòa có giải quyết được ly hôn không?
Vẫn có thể giải quyết được nếu có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Không có giấy đăng ký kết hôn sau 3.1.1987 có ly hôn được không?
Không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Tùy trường hợp có thể nộp đơn yêu cầu Tòa không công nhận vợ chồng. Tòa không giải quyết yêu cầu ly hôn. Con chung và tài sản chung giải quyết theo quy định pháp luật.
- Thuận tình ly hôn là gì?
Là việc hai vợ chồng ly hôn nhưng thỏa thuận được với nhau về tất cả các vấn đề liên quan như đồng ý ly hôn, thỏa thuận được về việc nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản, án phí, lệ phí,…
- Đơn ly hôn có thể viết tay được không hay bắt buộc phải lên Tòa mua?
Đơn ly hôn có thể viết tay, đánh máy hoặc điền theo mẫu của Tòa nhưng phải đầy đủ các nội dung theo đúng quy định pháp luật.
- Hồ sơ ly hôn đơn phương bao gồm những gì?
Hồ sơ thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương bao gồm:
- Đơn khởi kiện (viết tay hoặc đánh máy nhưng phải đầy đủ nội dung theo quy định. Để tránh phải sửa lại nhiều lần nên đến Tòa xin mẫu và được hướng dẫn điền hoặc nhờ người có chuyên môn soạn thảo giúp).
- Giấy đăng ký kết hôn (Bản chính)
- CMND, CCCD của người nộp đơn (Bản sao y có chứng thực).
- Giấy khai sinh của các con (Bản sao y có chứng thực).
- Các Giấy chứng nhận về việc sở hữu tài sản chung (nếu có yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung) (Bản sao y có chứng thực).
- Các tài liệu, chứng cứ khác như chứng cứ chứng minh thu nhập, nơi ở, điều kiện chăm sóc,… nếu có tranh chấp trong quá trình giải quyết vụ án.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp tại Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi bị đơn đang sống, không nhất thiết phải là nơi thường trú theo sổ hộ khẩu hoặc nơi đăng ký kết hôn. Ví dụ: vợ muốn đơn phương ly hôn, chồng có hộ khẩu ở Bình Dương, trước đây đăng ký kết hôn ở Bình Dương, tuy nhiên hiện nay chồng đang sinh sống và làm việc ở quận 3, TPHCM thì có thể nộp đơn ở Tòa án nhân dân Quận 3.