Việc áp dụng tình tiết tăng nặng xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 hiện nay còn nhiều bất cập và gây tranh cãi, nhất là đối với trường hợp người xúi giục cũng dưới 18 tuổi và thậm chí còn nhỏ tuổi hơn cả người bị xúi giục.
Mới đây nhất, ngày 5-1, tại phiên tòa xét xử 12 bị cáo gây rối trật tự công cộng ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) cũng đã có sự tranh luận về vấn đề này giữa đại diện VKS và các luật sư.
Cáo trạng truy tố hai bị cáo Phương Tấn Tiến và Nguyễn Quốc Đạt (cùng SN 2005) với tình tiết tăng nặng xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tranh luận tại phiên toà, luật sư cho rằng khi phạm tội thì các bị cáo này cũng là người dưới 18 tuổi, do đó đề nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với họ.
Trong khi đó, đại diện VKS cho rằng Điều 52 BLHS năm 2015 không loại trừ trường hợp người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội. VKSND Tối cao cũng đã có hướng dẫn đối với trường hợp này, người dưới 18 tuổi vẫn có thể bị xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng này.
Tại phần tuyên án chiều 11-1, HĐXX đã áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với hai bị cáo Tiến và Đạt.
Hiện nay, theo Công văn số 16/1999/KHXX ngày 1-2-1999 của TAND Tối cao thì: “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội, chứ không quy định người xúi giục phải là người đã đủ 18 tuổi.
Do thực tế vướng công văn hướng dẫn này của TAND Tối cao nên hiện nay hầu như các tòa đều phải áp dụng tình tiết tăng nặng nêu trên đối với bị cáo, như trường hợp của TAND Hóc Môn nêu trên.
VKSND Tối cao cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn về việc này. Theo quan điểm của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) VKSND Tối cao thì BLHS năm 2015 không có quy định loại trừ việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người dưới 18 tuổi. Do vậy, nếu người dưới 18 tuổi có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội thì vẫn có thể bị xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”. Tuy nhiên, khi áp dụng tình tiết này, cần bảo đảm nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại Điều 91 BLHS năm 2015.
Thế nhưng, đối chiếu khoản 1 Điều 91 BLHS 2015, chúng ta thấy rằng việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Như vậy, nếu vẫn áp dụng tình tiết tăng nặng trên với người dưới 18 tuổi là không đảm bảo nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” bởi điều này không phù hợp với khả năng nhận thức cũng như không đảm bảo lợi ích của người dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 416 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng với người dưới 18 tuổi là “có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục”.
Có thể hiểu rằng, quy định nêu tại điều luật này đã xác định rằng đối tượng có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội phải là người đủ 18 tuổi trở lên.
Ngoài ra, thực tế có những vụ án đồng phạm mà cả hai bị cáo đều dưới 18 tuổi, trong đó A 15 tuổi xúi giục B 17 tuổi 11 tháng phạm tội. Nếu chúng ta áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với A là bất hợp lý. Vì rõ ràng A nhỏ tuổi hơn B, nhận thức pháp luật và kinh nghiệm sống không thể bằng B thì không thể nào định hướng, xúi giục B phạm tội và B phải nghe theo được.
Do đó, nên chăng TAND Tối cao có văn bản hướng dẫn cụ thể theo hướng người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội thì mới áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này. Quy định như vậy mới đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội; nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.
Vẫn còn áp dụng chưa thống nhất
Trên thực tế, các cấp xét xử của tòa án cũng có quan điểm khác nhau về việc áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với người dưới 18 tuổi. Đơn cử như cách áp dụng tình tiết này của hai cấp toà tại tỉnh Quảng Bình khi giải quyết một vụ án trộm cắp tài sản.
Theo nội dung vụ án, ngày 16-12-2020, khi đi ngang nhà một người dân thì C nảy sinh ý định vào nhà để trộm cắp tài sản. C rủ H cùng thực hiện hành vi.
C nói H đứng ngoài cầu thang cảnh giới, còn C đi vào trong phòng lấy trộm một túi xách có 42 triệu đồng. C mang số tiền trên ra khỏi nhà, sau đó chia cho H một nửa số tiền trộm được để tiêu xài cá nhân. Thời điểm phạm tội, C và H đều chưa đủ 18 tuổi.
Xử sơ thẩm, TAND thị xã Ba Đồn không áp dụng tình tiết tăng nặng xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội đối với C.
Tuy nhiên, xét xử phúc thẩm ngày 7-6-2021, TAND tỉnh Quảng Bình đã dẫn ra Công văn số 16/1999 của TAND Tối cao, và nhận định rằng bản án sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS là thiếu sót, do đó cần chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Bình, sửa bản án sơ thẩm, áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với C.